TƯ DUY TRONG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT - MỸ THUẬT NÉT NGỘ

TƯ DUY TRONG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT


 Nói theo tư duy kinh tế thì con người cần mua tác phẩm mỹ thuật để thỏa mãn tối ưu cho nhu cầu tinh thần chứ không phải vật chất. Như vậy là xã hội cần đội ngũ nghệ sĩ có khả năng sáng tác những tác phẩm mỹ thuật cung cấp cho thị trường nghệ thuật. Xã hội càng phát triển, đời sống tinh thần càng cao, nhu cầu tác phẩm mỹ thuật càng nhiều.
Trong ngôn ngữ kinh tế thị trường, những tác phẩm mỹ thuật đã được xếp vào loại dịch vụ để phân biệt với sản phẩm hàng hóa.
Đối với tác phẩm mỹ thuật sáng tác vì có liên quan đến bản quyền tác giả. Bản quyền trong sáng tác mỹ thuật buộc phải xếp sở hữu tác phẩm mỹ thuật vào lĩnh vực lợi ích tư.
Chức năng khác của sáng tác mỹ thuật phục vụ cộng đồng thuộc lĩnh vực lợi ích công là cung cấp dịch vụ cho xã hội. Ai mà đánh giá bằng lượng được những lợi ích gián tiếp mà xã hội nói chung nhận được từ những tác phẩm mỹ thuật ? Một xã hội văn minh có những con người tài năng mỹ thuật rất khác với một xã hội lạc hậu gồm những người dân có trình độ thẩm mỹ thấp; ai tính ra được cái "hiệu quả xã hội" mà sáng tác mỹ thuật tạo ra ? Ai tính ra được những ảnh hưởng thẩm mỹ mà cái hiệu quả đó mang lại ? Chức năng đó tạo ra những lợi ích mà mọi người trong xã hội đều được hưởng, hưởng thụ của người này không làm mất hưởng thụ của người kia, khác với chiếc bánh, anh ăn thì tôi đành nhịn. Ở đây, cũng không ai phải tranh dành ai kẻo sợ hết phần, ví như tượng đài công viên, tác phẩm trưng bày triển lãm hoặc bảo tàng, di tích lịch sử mỹ thuật, anh được thưởng thức tôi cũng được thưởng thức như nhau: ấy là đáp ứng đúng định nghĩa của lợi ích công.
Như vậy, dưới con mắt của kinh tế, tài sản của tác phẩm mỹ thuật có khi là của cải công, có khi là của cải tư, có thể gọi đó là của cải hỗn hợp.
Những doanh nhân, chính khách ở những nước phát triển luôn có thói quen dành trong lịch thời gian chật hẹp của mình một khoảng thời gian đi xem triển lãm, mua tác phẩm vừa để thoát ra ngoài sức ép của những chuyện chuyên môn nghiệp vụ hàng ngày, vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật.
Người ngoại quốc không nhất thiết mua tranh để đầu tư, họ mua tác phẩm mỹ thuật bởi vì họ thích, bởi đó là cách sống của con người trong xã hội phát triển. Điều này ít có ở Việt Nam. Những nhà quản lý, nhà lý luận mỹ thuật Việt Nam cần suy nghĩ nhiều hơn về việc tạo những thói quen "tiêu thụ" tác phẩm mỹ thuật, khi mà phần "cung" cho nhu cầu đó thì nhiều, còn khách hàng thì không được chăm sóc. Về mặt lịch sử, ở những nước phát triển, hằng năm vào thời điểm thích hợp, các tác giả công bố tác phẩm mỹ thuật để công chúng nghệ thuật đến xem và mua. Chúng ta cũng tổ chức triển lãm nhưng bán được tác phẩm là chuyện hiếm hoi. Như vậy, hoạt động triển lãm mỹ thuật của họ mang tính chuyên nghiệp còn chúng ta, triển lãm cho vui, cho có thành tích. Tổ chức triển lãm trở thành hoạt động phong trào, đẩy nghề sáng tác mỹ thuật thành hoạt động nghề mang tính nghiệp dư. Phải có nguyên nhân nào đó và phải có giải pháp nào đó để những người làm nghề mỹ thuật có thể sống được bằng nghề sáng tác, bán được tác phẩm của mình.
Có rất nhiều người sáng tác những tác phẩm mỹ thuật, nhưng chỉ ít người trong số đó được đánh giá cao hoặc có một giá trị kinh tế nào đó, và số ít hơn được hậu thế công nhận, trở thành di sản mỹ thuật. Xét đến cùng, người hoạ sĩ dù có thể thốt lên rằng mình là một thiên tài, anh ta vẫn sẽ phải đợi phán quyết của công chúng nghệ thuật để những lời tuyên bố của mình có thể có một giá trị xã hội và để rốt cuộc hậu thế có thể ghi tên anh trong các sách dạy lịch sử nghệ thuật. Tuy nhiên, lịch sử nghệ thuật nhiều lần đã đánh giá những giá trị của một tác phẩm dựa vào những nhận xét hoàn toàn độc lập với những lối giải thích duy lý của người sáng tác. Vì thế tiêu chí giá trị kinh tế không phải lúc nào cũng do tác giả định đoạt. Người sáng tác cần ý thức được năng lực nghệ thuật của mình ở mức độ nào, cho ra những tác phẩm có giá trị ngang đâu. Phần còn lại trong chuỗi giá trị còn nhiều người khác nữa tham gia.
Bắt đầu từ vua chúa đến các nhà quý tộc rồi đến các giới thượng lưu giàu có trong xã hội... dần dần đến cả quần chúng nhân dân đều có thú chơi và muốn sở hữu tác phẩm mỹ thuật. Mỗi khi sưu tập được một bức tranh quý người ta có thể mở tiệc để chiêu đãi và khoe với bạn bè. Trong trường hợp này giá mua một tác phẩm không còn là vấn đề nữa, người mua không trả giá, người bán tác phẩm cũng rất hài lòng. Loại tác phẩm này do những người sáng tác tài năng luôn luôn nhạy cảm, cho ra đời những sáng tạo có giá trị nghệ thuật. Giữa giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế có mối quan hệ đặc biệt và không theo quy luật giá trị hàng hóa.
Việt Nam từ sau thời mở cửa cho đến nay đã ra đời nhiều gallery ở các thành phố lớn, cùng với rất nhiều họa sĩ đã cung cấp cho thị trường nghệ thuật số lượng lớn các tác phẩm hội họa và điêu khắc (chủ yếu là hội họa). Hầu hết các khách du lịch đến Việt Nam đều mua tranh ở các gallery. Trong trường hợp này giá trị tác phẩm thường không cao, được xây dựng thông qua thỏa thuận, trên cơ sở thị trường nghệ thuật. Giá trị tác phẩm mỹ thuật cũng thay đổi theo thời gian và chẳng có quy luật nào cả. Nếu nhất định phải định giá tác phẩm thì giá trị đó phụ thuộc vào kinh nghiệm người kinh doanh tác phẩm mỹ thuật. Họ nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của một lượng khác hàng không nhỏ, giúp cho loại tác phẩm nào đó có chỗ đứng trên thị trường, họ từ chối nhận tác phẩm mỹ thuật nào đó thì tác giả của tác phẩm ấy đành rút lui có trật tự cùng tác phẩm. Thị trường nghệ thuật hình thành như vậy, tác giả nào muốn sống bằng nghề phải phụ thuộc vào nó. Hoạt động sáng tác bị mất đi chỗ dựa bền vững, nhiều tác phẩm chất lượng không được khẳng định.
Những người mua tác phẩm mỹ thuật, do trình độ nghệ thuật khác nhau thường có năng lực cảm nhận khác nhau và đưa ra quyết định mua tranh trên cơ sở trực giác của mình. Nếu không có trực giác, người mua tranh sẽ lúng túng trước bức tranh cần lựa chọn. Trước tác phẩm mỹ thuật, người tiêu dùng nghệ thuật có nhiều phản ứng khác nhau, có thể né tránh không ý kiến hoặc dũng cảm tỏ thái độ đẹp xấu. Thưởng thức tác phẩm mỹ thuật là thưởng thức giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thưởng thức tác phẩm mỹ thuật có rất nhiều thứ được mai phục bên trong, kiến thức, kinh nghiệm, tâm lý tiêu dùng, ký ức ẩn kín nơi tâm hồn mỗi người, bung ra, chi phối trực giác nghệ thuật. Đó chính là những hành trang văn hóa, là vốn sống, vốn kiến thức mà mỗi người mang theo khi quyết định mua tác phẩm mỹ thuật. Với vốn sống và vốn văn hóa khác nhau, người ta sẽ thấy ở tác phẩm mỹ thuật được nhìn nhận những giá trị kinh tế và giá trị tinh thần, sắc thái và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Người sáng tác cũng phải ý thức điều đó để chuẩn bị cho mình hành trang trên con đường sáng tạo, sáng tác cho ai, sáng tác cho thị trường nào, thị trường nghệ thuật cao cấp hay thị trường nghệ thuật thấp cấp. Về tư duy kinh tế, lịch sử mỹ thuật cũng làm rõ mỗi người sáng tác mỹ thuật nên dành nhiều thời gian sáng tác những tác phẩm cho thị trường cấp thấp để sống, tồn tại có nguồn kinh phí sáng tác những tác phẩm cho thị trường cao cấp. Thị trường cao cấp phải có các nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật vào cuộc.
Với một tác phẩm mỹ thuật cụ thể, trong con mắt người tiêu dùng nghệ thuật có thể chỉ là một không gian nào đó đầy kỷ niệm, không nhất thiết là đối tượng của sự thưởng thức nghệ thuật. Cách tiếp cận này, đôi khi trở thành một trở ngại cho sự cảm thụ nghệ thuật. Bởi khi là đối tượng của kỷ niệm, người ta thường chỉ nhận thấy khía cạnh của ý nghĩa, mà ở đó ngôn ngữ nghệ thuật chỉ thuần túy có vai trò tạo hình chuyên chở nội dung tác phẩm. Đối với người có vốn hiểu biết nghệ thuật, người ta phải chăm chú từng chi tiết tạo hình tác phẩm, phải cảm nội dung tác phẩm, phải cảm hình thức tác phẩm, phải cảm ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm. Có kiến thức mỹ thuật, sự tiếp xúc thường xuyên với tác phẩm, chính là các yếu tố quyết định cho sự đầu tư kinh tế vào tác phẩm nào đó của nhà sưu tập nghệ thuật tài năng. Không tiếp xúc nhiều với thế giới mỹ thuật, không thấy sự đa dạng của các hình thức nghệ thuật và gắn với nó là sự đa dạng vô cùng tận của các quan điểm và phương pháp sáng tác... người ta sẽ không có nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật, đối với họ, tác phẩm không có giá trị. Chính vì vậy, tác giả tài năng của một tác phẩm cụ thể chất lượng nào đó có thể làm giầu cho người biết đầu tư vào tác phẩm ấy. Điều đó cũng rất rõ ràng đối với một tài năng mỹ thuật phải sống trong tình trạng khốn khó vật chất khi giá trị của tác phẩm còn chưa được làm rõ. Giá trị kinh tế thấp, tác giả không muốn rời xa đứa con tinh thần của mình, đành chấp nhận cuộc sống nghèo đói. Những người nghệ sĩ chân chính thường tư duy kinh tế như vậy.
Trong tiến trình sáng tạo, người hoạ sĩ đi từ ý tưởng đến tác phẩm qua một chuỗi những phản ứng hoàn toàn chủ quan. Cuộc đấu tranh nhằm đi đến thực hiện một sáng tạo là cả một loạt những nỗ lực, những đau đớn, những thoả mãn, những chối bỏ, những đam mê, trong quá trình thai nghén tác phẩm. Kết quả cuộc đấu tranh này là cái khác biệt giữa ý tưởng và sự thực hiện ý tưởng đó, một sự khác biệt mà chính người hoạ sĩ cũng không ý thức. Vì vậy, tác phẩm như một sinh vật với cuộc sống riêng tư và giá trị kinh tế của tác phẩm đó không thể tính được. Nếu đứa con tinh thần đó mà thiêng liêng thì giá trị kinh tế của tác phẩm là vô cùng. Đây là loại tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và trong chuỗi giá trị này, các nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật có vai trò quan trọng.
Khi sáng tác những tác phẩm mỹ thuật, các họa sĩ Việt Nam chú ý đến những tác phẩm trưng bày ở các triển lãm mỹ thuật đương đại. Việc học tập, nghiên cứu hoặc bắt chước lẫn nhau trong lĩnh vực mỹ thuật dường như là một nhu cầu phổ biến của các họa sĩ chuyên nghiệp. Có làm sao đâu nếu không nói là họ đã được rèn luyện hơn lên rất nhiều nhờ mỗi lần bắt chước ấy. Trong điều kiện ấy, người sáng tác mỹ thuật cũng như người sản xuất hàng tiêu dùng, không phải lúc nào cũng sáng tác được mà đơn giản chỉ là gia công những vật liệu có sẵn. Đó là cách làm khác một sản phẩm mỹ thuật đã có thương hiệu mà ai nấy bấy lâu cứ cho là những đột phá tư tưởng này nọ. Điều này cũng dễ dẫn con người tới ngộ nhận giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế của sản phẩm mỹ thuật khi sản phẩm tạo hình chỉ dừng lại ở những tác phẩm ăn theo trường phái này chủ nghĩa kia. Hệ thống đào tạo của chúng ta còn rất nhiều nhược điểm, cho ra lò rất nhiều nghệ sĩ tạo hình không có khả năng sáng tạo. Tác phẩm của họ không thể phục vụ cho thị trường nghệ thuật cao cấp, trong các diễn đàn đấu giá. Tư duy kinh tế không đúng về một tác phẩm cụ thể sẽ dẫn tới tác phẩm không có thị trường.
Việt Nam là một nước rất phát triển về lĩnh vực tiêu dùng tin học mặc dầu chưa hề tự mình sản xuất nổi một sản phẩm tin học nào. Dường như những hoạt động về mỹ thuật cũng giống như thế, hiện tại không còn một đột phá mới nào thuộc lĩnh vực mỹ thuật trên thế giới mà lại không được khai thác tại Việt Nam. Điều đó bộc lộ một thực trạng của nước ta: có tất cả mọi cái mới của người mà chẳng có cái mới nào của mình, trừ trường hợp nếu đã có thì làm còn ồ ạt hơn cả người ta một cách mù quáng mà thôi. Trong lĩnh vực sáng tác mỹ thuật thực trạng này cũng đã cho ra những sản phẩm mỹ thuật thỏa mãn được nhu cầu thị trường nghệ thuật. Điều này đối với con người Việt Nam là một lợi thế. Về cách tiếp thu cái mới của người Việt Nam, phàm là tiếp thu, đã rất giỏi cái gì cần tiếp thu. Thế thì, hiệu quả của sự đổi mới là ở chỗ con người đã dùng cái mới như thế nào chứ hoàn toàn không phải là ở nội dung của cái mới. Nhiều họa sĩ đã rất thành công khi thể hiện tác phẩm trên cơ sở học tập phong cách cổ điển, hiện thực, ấn tượng, lãng mạn … có được những tác phẩm thỏa mãn nhu cầu thị trường nghệ thuật mang lại nguồn thu lớn bảo đảm một cuộc sống sung túc, đầu tư cho những tìm tòi sáng tạo cá nhân. Trong lúc chưa sáng tạo được những chủ nghĩa trường phái mới thì nên bằng lòng với những gì mình có trên cơ sở kiến thức căn bản mỹ thuật đã được rèn luyện. Có như vậy, người sáng tác tránh được ảo tưởng về bản thân. Tư duy nghệ thuật và tư duy kinh tế như vậy là phù hợp với sự phát triển nghệ thuật
Cho đến nay ở Việt Nam, số đông những người sáng tác mỹ thuật chủ yếu tiếp cận mỹ thuật thế giới hiện đại chỉ qua những phương tiện thông tin đại chúng, qua những câu chuyện, qua những giai thoại. Mang vác một tâm lý ngộ nhận về các giá trị của nghệ thuật, họ bắt chước, mô phỏng rất nhanh những gì biết được. Mỗi người thủ đắc một số chiêu thức kỹ thuật, tạo ra một vài mô-típ thuần túy hình thức, như một đặc trưng của phong cách cá nhân trên cơ sở một số đề tài phổ biến, rồi cứ thế nhân bản. Sáng tác chỉ còn là một thói quen. Không thể biến hóa, sáng tạo hơn được nữa. Chính vì vậy, mỹ thuật đương đại Việt Nam có rất nhiều tác phẩm khác nhau thực ra cũng chỉ là những giải pháp kỹ thuật khác nhau chứ không phải là những trào lưu tư tưởng khác nhau. Những trào lưu tư tưởng khác nhau thì đi tới những trường phái chủ nghĩa khác nhau, còn những giải pháp kỹ thuật khác nhau thì chỉ cho ra những sản phẩm khác nhau làm phong phú thêm lên cho một trường phái chủ nghĩa sẵn có chứ không thay thế cho một trường phái chủ nghĩa nào cả. Chính vì thế, các họa sĩ Việt Nam chuyên vẽ tranh ngây thơ có thể chú ý cách vẽ của Henri Matisse (1869-1954), các họa sĩ chuyên vẽ tranh sinh hoạt mộc mạc thì khai thác mỹ học của Paul Gauguin (1848 - 1903), nhiều họa sĩ vẽ tranh trừu tượng có rất nhiều tác phẩm trừu tượng để tham khảo đến mức trở nên dễ dàng cho bất cứ ai muốn trở thành họa sĩ... và họ chẳng mảy may bận tâm đến chủ thuyết nào đó và của ai. Điều này dẫn tới giá trị kinh tế của tác phẩm không cao. Họa sĩ Isaac Levitan (1860-1900) để có được phong cách nghệ thuật bộc lộ được tâm trạng bản thân, vừa có được ấn tượng một thiên nhiên sinh động. Những sáng tác của ông là kết quả của nghiên cứu và quan sát những tác phẩm phong cảnh của Jean-Baptiste-Camille Corot (1796-1875) và những tác phẩm ấn tượng những năm 80 của thế kỷ XIX. Thậm chí ông còn tự học tiếng Pháp để hiểu Corot hơn, ông còn đến nước Pháp xem các họa sĩ ấn tượng vẽ. Các tác giả của chúng ta không ai có đủ ý chí đầu tư học hỏi nghệ thuật như vậy. Giá trị kinh tế của các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam rất thấp so với khu vực châu Á do chính cách làm việc của rất nhiều họa sĩ của chúng ta.
Một số tác giả làm nghệ thuật sắp đặt, trình diễn… hội nhập với nghệ thuật đương đại, và những biểu tượng mà họ sử dụng cũng giản dị và dễ tìm kiếm, kích thích trí tưởng tượng công chúng nghệ thuật. Việc thiếu thông tin hay không được đào tạo đến nơi đến chốn về các trường phái này nọ cũng không can hệ gì với họ, nếu không nói có thể họ còn không cần biết tới các thông tin hoặc kiến thức ấy. Để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật đương đại, các tác giả phải dựa vào nguồn kinh phí tài trợ của các công ty, nhà đầu tư nghệ thuật để nuôi sống bản thân và tác phẩm. Ý tưởng sáng tác, mô hình tác phẩm nếu không được nhà đầu tư quan tâm, các tác giả không có cơ hội thực hiện những sáng tác của mình. Tham gia sáng tác thể loại nghệ thuật này, người sáng tác cần thông thạo các kỹ năng hành chính, các kỹ năng xây dựng ý tưởng nghệ thuật đương đại có định hướng, biết tìm được địa chỉ các nguồn kinh phí, để có đủ điều kiện xây dựng tác phẩm. Không có tư duy kinh tế nghệ thuật kết hợp với tư duy hành chính, người sáng tác khó lòng thực hiện được ý đồ tác phẩm nghệ thuật đương đại của mình
Lịch sử mỹ thuật là quá trình chọn lọc cái đẹp, là quá trình hình thành tiêu chuẩn thẩm mỹ thông qua thị hiếu thời đại của con người, là quá trình hình thành và tồn tại của tác phẩm mỹ thuật qua các thời đại. Vậy, tiêu chuẩn giá trị của tác phẩm mỹ thuật có liên quan đến lịch sử của từng giai đoạn. Rất nhiều tác phẩm có giá trị kinh tế cao sáng tác theo tinh thần này, đó là những tác phẩm đại diện cho các chủ nghĩa trường phái mỹ thuật. Khi tác phẩm mới ra đời, giá trị kinh tế của tác phẩm thường không thấy, nhưng theo thời gian hiệu quả kinh tế của nó càng ngày càng cao.
Phong cách nghệ thuật của mỗi tác phẩm từ lâu đã trở thành một tiêu chí giá trị quan trọng cho người tiêu dùng nghệ thuật. Người tiêu dùng nghệ thuật bỏ tiền mong muốn sở hữu một tác phẩm mỹ thuật vì nó độc đáo, vì nó có dấu ấn của một phong cách cá nhân nghệ sĩ. Để có được phong cách cá nhân, người sáng tác mỹ thuật phải biết thoát mình ra khỏi khu rừng phong cách nghệ thuật. Đây không phải là lao động nghệ thuật dễ dàng đối với người sáng tác, bới vì nhiều tác giả cũng vật lộn với nghề, nhưng tác phẩm không giống tác phẩm của tiền bối này cũng không khác mấy tác phẩm của danh sư khác. Những tác phẩm có phong cách cá nhân có giá trị kinh tế cao là rất xứng đáng. Trong trường hợp này thiếu sự tham gia của các nhà phê bình lý luận mỹ thuật, giá trị nghệ thuật của tác phẩm sẽ không được làm rõ. Người tiêu dùng nghệ thuật cũng không tự tin đến gần tác phẩm và hoạt động kinh tế mỹ thuật khó hình thành.
Nhiều tác giả tạo hình cho rằng văn hóa dân tộc khiến cho các tác phẩm rơi xuống hàng địa phương và thiếu tầm quốc tế. Tuy nhiên, tình yêu giản dị đối với quê hương mình lại trở thành cơ sở chất lượng của tác phẩm mỹ thuật. Cũng cần khẳng định bản sắc văn hóa trong sáng tác mỹ thuật là một tiêu chí giá trị. Rất tiếc, đây chính là mỏ vàng có thể khai thác vô cùng mà nhiều tác giả bỏ qua. Để nhận ra giá trị tinh thần của bản sắc văn hóa cũng cần phải có năng khiếu mỹ thuật nhất định. Năng khiếu mỹ thuật chính là khả năng thực hiện những năng lực mỹ thuật. Một trong những năng lực mỹ thuật quan trọng, đó là khả năng quan sát. Cuộc sống xung quanh mình có rất nhiều đối tượng nghệ thuật đáng quan tâm. Tuy vậy, người bình thường không chú ý thường bỏ qua, còn những tài năng nghệ thuật có thể làm cho những đối tượng quan sát đó thăng hoa trở thành giá trị nghệ thuật. Từ những giá trị tình cảm đó biến thành giá trị kinh tế lúc nào không biết thông qua chất liệu mỹ thuật cụ thể.
Phân tích tác phẩm mỹ thuật làm cho nó trở nên có giá trị nghệ thuật, giá trị kinh tế. Có thể nói đây là thị trường đặc biệt khác xa với thị trường hàng hóa. Một tác phẩm có thể giá 100 USD, cũng có thể giá trị 1 triệu USD tùy vào sức sống của tác phẩm và ai có thể tạo ra sức sống đó. Giá trị kinh tế của tác phẩm phụ thuộc vào những tri thức tiềm ẩn, phụ thuộc vào sàn giao dịch mà các nhà nghiên cứu phê bình, nhà tổ chức đấu giá tác phẩm có đóng góp quan trọng. Người nông dân sản xuất ra hạt thóc chỉ được hưởng 30% trong chuỗi giá trị kinh tế. Cũng vậy, người sáng tác mỹ thuật cũng phải chấp nhận hưởng phần nhỏ trong chuỗi giá trị kinh tế tác phẩm, bởi, tác phẩm mỹ thuật là loại hàng hóa đặc biệt. Điều này cũng lý giải câu chuyện, người họa sĩ sáng tác ra tác phẩm và làm giầu cho các nhà sưu tập. Tác phẩm mỹ thuật trong tay các nhà sưu tập, bảo tàng mỹ thuật qua mỗi lần trao đổi là mỗi lần tăng giá không liên quan gì tới người sáng tạo ra nó. Nói chung, trong mắt người xem, tác phẩm mỹ thuật thực chất, không còn giá trị độc bản nữa. Có bao nhiêu người xem là có bấy nhiêu dị bản, và thường chẳng có cái nào giống cái nào. Về mặt kinh tế, giá trị tác phẩm mỹ thuật được cấu tạo trên cơ sở nhu cầu người thưởng thức. Con người thời đại văn minh cần nghệ thuật như một chất dinh dưỡng, nhưng con người cũng có sức đề kháng có khả năng loại bỏ những gì phương hại cho sự thụ cảm nghệ thuật và ở mỗi người là khác nhau. Cho nên, vấn đề định giá tác phẩm mỹ thuật vẫn còn là điều phải bàn và cũng chỉ là việc nên thử bàn với nhau mà thôi, khi nhân loại vẫn còn tiếp tục trên con đường sáng tạo đi tìm cái đẹp.
Nếu coi sáng tác mỹ thuật là một nghề nghiệp thì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo phải kiếm được tiền bằng sản phẩm nghề nghiệp của mình. Như vậy bắt buộc người sáng tác mỹ thuật phải có tư duy kinh tế, phải biết chắc chắn sản phẩm sáng tạo của mình phục vụ đối tượng nào với giá trị kinh tế kèm theo. Trên thực tế, người sáng tác mỹ thuật tư duy không rõ ràng, đôi khi ảo tưởng về về chức năng nhiệm vụ của mình, đẩy họ tới nghề không ra nghề, nghiệp không ra nghiệp. Hơn nữa, trong chuỗi giá trị kinh tế, ngành xây dựng có công ty tư vấn xây dựng, lĩnh vực tài chính có sàn giao dịch chứng khoán, ngành nghề mỹ thuật thì không. Quy luật kinh tế trong lĩnh vực mỹ thuật còn phức tạp hơn tài chính, xây dựng, không có sàn giao dịch hay công ty tư vấn mỹ thuật thì người tiêu dùng biết dựa vào đâu để giao dịch, có tiền cũng không biết mua bán thế nào những tác phẩm mỹ thuật. Người sáng tác mỹ thuật nhiều, còn người làm nghiên cứu, phê bình, giám tuyển ít, đẩy hoạt động kinh doanh mỹ thuật xuống hàng chợ, cạnh tranh bán. Khi thị trường có cạnh tranh bán thì giá cả ngày càng đi xuống. Chỉ khi hoạt động kinh tế mỹ thuật có cạnh tranh mua, giá trị kinh tế của tác phẩm mới được cải thiện, tác phẩm mỹ thuật mới trở về đúng vai trò của nó trong đời sống xã hội, phục vụ nhu cầu tinh thần của con người, có giá trị kinh tế cụ thể.
Nguồn: HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM
Lê Đình Thuận

Nhận xét