Hành trình vượt qua số phận của chàng họa sĩ 9X vẽ tranh bằng… miệng


Chúng tôi gặp Châu trong một lần chàng trai trẻ ra Hà Nội triển lãm tranh vào giữa tháng Mười. Tuy bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nhưng Châu luôn tràn đầy sức sống.
Sự lạc quan của anh khiến bao người phải thán phục. Thậm chí, Châu còn được một đạo diễn người Mỹ làm phim tài liệu về mình.
Cậu bé từng nghĩ mình bất hạnh
Lê Minh Châu (SN 1991, tại Đồng Nai) sinh ra trong một gia đình có 3 anh em. Trong khi, anh trai và em gái của Châu đều khỏe mạnh, bình thường thì anh lại không thể đi lại được. Khi còn bé, Châu vẫn luôn thắc mắc rằng tại sao mình lại kém may mắn đến vậy. Cho đến khi anh biết bố từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bị nhiễm dioxin thì em hiểu và từ đó không bao giờ thắc mắc nữa.
Trò chuyện với PV, Châu kể: “Tôi nghe kể lại, vì nhiều lý do nên sau khi lọt lòng mẹ được 6 tháng, tôi đã được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Từ Dũ (TP.HCM) để các bác sĩ thăm khám. Một thời gian sau, tôi được chuyển đến sống ở làng Hòa Bình. Lớn lên, tôi không mấy khi được về nhà ở Đồng Nai nên anh em họ hàng, tôi cũng không biết hết mặt. Giờ tôi vẫn liên lạc với bố mẹ và biết họ đều đã ở độ tuổi thất tuần. Còn vì sao tôi ít khi về nhà thì tôi xin phép không chia sẻ thêm”.
Chuỗi ngày sống xa gia đình đã giúp cậu bé Lê Minh Châu trở nên cứng rắn và tự lập hơn. Đến năm lên 9 tuổi, anh mới được gặp lại bố mẹ của mình. Ngày trùng phùng, cả nhà đã bật khóc vì xúc động, vì hạnh phúc được nhìn thấy nhau sau bao ngày xa cách. Không một lời trách móc vì sao cha mẹ lại không lên thăm mình, Minh Châu nói, anh hiểu và cảm thông cho cuộc sống vất vả mưu sinh của cha mẹ khi còn phải nuôi anh trai và em gái.
Vì dị tật bẩm sinh nên Minh Châu phải tập đi bằng đầu gối. Các cơ ngày càng teo lại nên chàng trai ấy chỉ còn lại da bọc xương. Đến lúc trưởng thành, anh nặng có 35kg. Nhìn thấy dáng người nhỏ thó của Châu, ai cũng tỏ ra thương cảm nhất là khi thấy anh di chuyển bằng 2 đầu gối. Có người mới gặp anh lần đầu đã ngỏ ý giúp đỡ bằng vật chất nhưng anh từ chối. Châu khẳng định, mình có thể tự đi lại được. Điều đó khiến ai cũng phải nể phục, trân trọng ý chí và nghị lực sống của anh.
Bên cạnh đôi chân thì sau những biến chứng kéo dài, đôi tay của Minh Châu cũng trở nên co quắp. Anh không thể cầm nắm được nhiều thứ cùng một lúc mà chỉ cầm được những thứ nhỏ, nhẹ dưới 0,5kg. Mọi sinh hoạt hàng ngày anh đều làm bằng... miệng. Châu cho biết, dù vận động có đôi chút khó khăn nhưng anh vẫn tự chăm sóc bản thân, không cần người trợ giúp.
Hành trình vượt qua số phận của chàng họa sĩ 9X vẽ tranh bằng… miệng - Ảnh 1

Chân dung chàng họa sĩ vẽ tranh bằng miệng.

Nhìn 2 đầu gối của Minh Châu bị tróc da, chai sạn vì di chuyển nhiều, nhiều người từng nghĩ, anh sẽ buông xuôi. Tuy nhiên, chàng trai ấy đã không chịu đầu hàng số phận. Anh ngày đêm miệt mài học tập nghiêm túc để vẽ tranh bằng miệng với tất cả niềm đam mê và cảm nhận của mình về cuộc sống chung quanh.
Theo lời chia sẻ của Minh Châu, năm 18 tuổi, anh bắt đầu lên TP.HCM lập nghiệp. Không chọn thuê những căn nhà ở tầng 1 cho tiện đi lại, anh chọn phòng ở trên cao để thỏa sức ngắm nhìn ra cửa sổ tạo cảm hứng sáng tác nghệ thuật.
Động lực sống qua những gam màu
Nói về cơ duyên đến với hội họa, Minh Châu thật lòng: “Tôi có một người cô là họa sĩ vẽ tranh tường. Khi đó, tôi cùng một nhóm bạn thường đứng phía sau hỗ Những cuộc triển lãm ấy đã đưa cái tên trợ cô vẽ tranh. Thấy tôi đam mê, cô hỏi tôi có muốn học vẽ hay không? Sau đó, cô đã xin ý kiến của làng Hòa Bình để mở 1 lớp học vẽ miễn phí, dạy cho tôi và những người bạn khác”.
Người bình thường dùng tay để vẽ thành hình khối đã khó, với 1 chàng trai tật nguyền phải dùng miệng để điều khiển bút vẽ lại càng khó hơn. Minh Châu đã phải cố gắng gấp nhiều lần. Có những lần vì quá mải vẽ, anh đã uống nhầm cả sơn dầu hoặc ăn màu. Không ít lần, Châu bị chảy máu vì cọ vẽ đâm vào miệng. Nhưng dường như những tai nạn đó càng khiến đam mê hội họa trong chàng trai này được nhân lên.
Đã có 15 năm trong nghề hội họa, Minh Châu cũng được biết đến là người tật nguyền duy nhất kiếm sống bằng nghề vẽ tranh. Phong cách vẽ tranh của anh có một điểm riêng biệt. Minh Châu bày tỏ, dòng tranh mà anh theo đuổi là tranh sơn dầu với phong cách trừu tượng và phong cảnh. Phong cách tranh của Minh Châu mang hơi hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ điển.
Anh cũng là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được mời tham gia kỳ họp thứ chín “Công ước về quyền của người khuyết tật” của Liên Hiệp Quốc tại TP.New York (Mỹ) vào hồi tháng Sáu vừa qua. Tại đây Châu có một cuộc triển lãm tranh ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, anh còn mở triển lãm tranh ở TP.HCM và mới đây nhất là triển lãm mang tên “Con đường khát vọng” ở Hà Nội.
Những cuộc triển lãm ấy đã đưa Minh Châu đến gần hơn với người đam mê hội họa. Để rồi sau đó, họ tìm đến, nhờ anh vẽ những bức tranh phong cảnh, tranh chân dung. Trước đây, các tác phẩm hội họa của anh chủ yếu được vẽ bằng gam màu tối, u buồn. Thế rồi, anh đã quyết định thay đổi với những gam màu sáng. Nhìn các bức tranh đa dạng màu sắc của mình, Châu cảm thấy yêu cuộc đời hơn, bớt phiền muộn, lo lắng hơn.
Bản thân Châu cũng không thể nhớ được trong một tháng, mình bán được bao nhiêu bức tranh. Nhiều người khuyên anh đổi nghề nhưng anh không chịu, bởi đó là niềm đam mê bất tận của Lê Minh Châu.
Vượt qua được nỗi đau về thể xác, sự khổ công tìm tòi nghệ thuật hội họa và năng khiếu trời cho đã khiến những tác phẩm hội họa của Minh Châu luôn tràn ngập những sắc màu tươi sáng. Nhìn tác phẩm của anh, ai cũng thấy thêm yêu, thêm hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Niềm đam mê của Châu đã giúp cho chàng họa sĩ vẽ tranh bằng miệng này có được những thành công xứng đáng trên con đường chinh phục nghệ thuật của mình.
Để có được những thành công ấy, Minh Châu luôn tâm niệm: “Mọi việc sẽ không có gì khó khăn nếu mình luôn biết cố gắng. Trên bước đường đời có đôi khi vấp ngã nhưng đừng từ bỏ mà hãy chấp nhận và nở nụ cười tươi trên đôi môi thì sẽ vượt qua được tất cả. Đó là điều mà mình luôn suy nghĩ và vượt qua được để có ngày hôm nay”. Với Minh Châu, những thành công bước đầu trên con đường nghệ thuật hội họa là bước đệm để chàng trai ấy mở rộng ước mơ của mình. Đó là trở thành 1 nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp.
“Trong thời gian tới, mình dự định sẽ mở cuộc triển lãm 30 tác phẩm hội họa, sau đó là liveshow Body Painting tại TP.HCM. Và 2 năm nữa, mình sẽ rời Việt Nam đi du học để thực hiện những ước mơ, dự định còn dang dở”, Minh Châu bộc bạch.
Có những con người không thể đi bằng đôi chân nhưng vẫn tới đích nhanh hơn người thường. Câu chuyện về hoàn cảnh, cuộc đời và quá trình sáng tác nghệ thuật của Minh Châu là một minh chứng sống động cho điều đó.
Dùng tiền thu được từ triển lãm tranh hỗ trợ đồng bào miền Trung lũ lụt
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Hoàng Thị Sinh, điều dưỡng tại Làng Hòa Bình, người trực tiếp nuôi dưỡng Lê Minh Châu chia sẻ: “Minh Châu là chàng trai biết vượt lên chính mình. Tôi biết Châu rất nghị lực nhưng chưa từng dám nghĩ con sẽ được như bây giờ. Từ một đứa trẻ quỳ lết đi, đến bây giờ, Châu đã làm được tất cả dù đôi tay, đôi chân không lành lặn. Đến bây giờ, tôi vẫn thường xuyên liên lạc để nghe Châu tâm sự về cuộc sống về những thành công. Tôi coi Châu như con đẻ của mình vậy”. Cũng theo bà Sinh, sau khi triển lãm tranh và nhận được tiền hỗ trợ, Châu đã hỏi ý kiến bà về việc trích tiền cho Làng Hòa Bình và đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Suy nghĩ của Châu ai ai cũng ủng hộ và cảm thấy nghẹn ngào.
Ngày 14/1, bộ phim tài liệu “Chau, beyond the Lines” do nữ đạo diễn Courtney Marsh, người Mỹ thực hiện trong vòng 8 năm, tái hiện chân thực cuộc sống của Châu đã được viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) đề cử top 5 phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016. Ngày 19/4, bộ phim “Chau, beyond the Lines”  đã được công chiếu tại Việt Nam. Trước khi được đề cử Oscar 2016, “Chau, beyond the Lines” từng được vinh danh tại liên hoan phim Austin 2015 và liên hoan phim Mỹ 2015.

Báo Đời sống và Pháp luật

Nhận xét