Ngày 27/3 vừa qua, tại phòng trưng bày Dolphin Viet gallery của Heritage Space / Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội đã khai mạc triển lãm nghệ thuật thị giác Heritage Space + (Heritage Space Plus). Triển lãm trưng bày những sáng tác hội họa gần đây của 3 họa sỹ: Hà Trí Hiếu, Doãn Hoàng Lâm và Đinh Ý Nhi; cạnh đó là những tác phẩm của các nghệ sỹ: Ludwika Ogorzelec, Yun Woo Choi, Thierry Fontaine và Trần Trọng Vũ – những tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Heritage Space 1.
Đinh Ý Nhi, Đàn bà ngồi I, sơn dầu, 2015
Sinh năm 1967, Đinh Ý Nhi có phong cách hội họa Biểu hiện độc đáo hàng đầu các nữ họa sỹ Việt Nam. Ngay từ thập kỷ 1990, những tác phẩm tranh chân dung bột màu đen trắng vừa giàu tính biểu hiện vừa pha trộn sắc thái bản năng sơ khai của Đinh Ý Nhi đã tạo ra một bất ngờ lớn giữa dòng chảy chủ lưu hội họa Hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Liên tục trưng bày tác phẩm ở trong nước và nhiều địa điểm danh tiếng quốc tế, Đinh Ý Nhi đã khẳng định được phong cách hội họa đặc sắc của mình. Vẫn luôn là chân dung, hình hài những người đàn bà dẹo dọ, xơ xác, tiều tụy, trần trụi trong mọi sắc thái hiện sinh đau đớn, hội họa của chị thật sự là một hành trình trút bỏ tận gốc rễ không chỉ các ảo tượng về sự tôn sùng vẻ đẹp xác thịt giới nữ mà còn cả các giáo điều đạo đức để đi đến mọi ngóc ngách của một bản năng duy nhất thượng đế đã ban cho người nghệ sỹ. Trở lại Heritage Space lần này là 3 tác phẩm Đinh Ý Nhi mới sáng tác năm 2015 với những tên gọi – như một cái cớ, đơn giản tối đa như mọi khi: “Đàn bà ngồi I”, “Đàn bà ngồi II”, “Đàn bà ngồi III”; như chẳng có điều gì quan trọng hơn cái hành trình truy vấn, độc thoại bằng những vệt đắp, cạo các lớp sơn, dập xóa, buông nhả với chính bản năng của mình. Các tác phẩm của Đinh Ý Nhi một lần nữa, tô đậm hành trình độc đạo bằng phong cách riêng có của mình.
Ngay từ khi còn là sinh viên trường mỹ thuật cuối những năm 1990, Doãn Hoàng Lâm đã say mê ngôn ngữ hội họa Biểu hiện, nhất là các biến tấu hình thể con người theo kiểu “bóp hình” đầy đau đớn của danh họa Egon Schiele. Sau đó, hội họa Doãn Hoàng Lâm dần tìm được một tiếng nói riêng chuyển từ việc khai thác sức hấp dẫn hình thể sang những bề mặt biểu cảm của chất liệu. Đã có những series tranh sơn dầu có bề mặt “nhầy nhụa” cảm giác của máu, thịt; có cả một series tranh thực hiện trên bề mặt các tấm phim X quang như thêm một lần soi thấu để bày ra những khám phá dưới lớp vỏ của hình thể và loạt tranh chân dung mới sáng tác trưng bày tại Heritage Space lần này cũng là những khám phá trên các bề mặt khác nhau (toile, vóc sơn mài, tấm nhựa Alu-composite), khám phá và trình diễn xúc cảm màu sắc / ánh sáng; ngẫu hứng bất định về một / mọi gương mặt, có hình / có cấu trúc; không hình thù / không cấu trúc. Tài hoa và giàu năng lực sáng tạo, nghệ thuật của Doãn Hoàng Lâm sẽ còn mang đến nhiều trông đợi.
Hà Trí Hiếu, Điền dã II, sơn dầu, 2015
Tác phẩm của Trần Trọng Vũ
Tác phẩm của Ludwika Ogorzelec
Sớm nổi tiếng từ khi còn là thành viên nhóm “Gang of 5” hồi thập niên 1990, hội họa của Hà Trí Hiếu trong triển lãm Heritage Space Plus lần này cho thấy một bước chuyển tinh tế trong việc sử dụng chất cảm để biểu hiện hội họa. Hai tác phẩm: “Điền dã I” và “Điền dã II” vẫn được vẽ như một câu chuyện bất tận về một cảm xúc thẩm mỹ thuần Việt từ những mô típ đàn bà, bò, đèn dầu, nón lá – những hình hài đã trở thành một hệ thống biểu tượng biến tấu trong các khúc thức đồng dao, lục bát dân gian của riêng Hà Trí Hiếu, nhưng không còn là những vệt sơn thô phác thành thật của dao vẽ, mà thay vào đó, là sự tinh tế nhẹ nhàng của một kết hợp giữa chất xốp của phấn màu và những nét cài ẩn hiện của chì than, chì màu trên khổ toile thô kéo dài một sắc độ nâu nhạt trung tính.
Hội họa của Hà Trí Hiếu, Doãn Hoàng Lâm, Đinh Ý Nhi có điểm chung có thể xếp vào phong cách nghệ thuật Biểu hiện, tuy nhiên, mỗi người là một dấu ấn riêng đã định hình và tự khẳng định vị trí trong nghệ thuật hội họa Việt Nam đương đại. Những sáng tác của họ trong triển lãm Heritage Space + lần này rất đáng để thưởng thức trong một không gian thị giác đa dạng, tiềm ẩn những thách thức cảm nhận, diễn dịch giữa hội họa và các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện.
Chú thích:
1. Heritage Space sưu tập tác phẩm của Yun Woo Choi, Ludwika Ogorzelec và Thierry Fontaine, những tác phẩm thực hiện trong dự án nghệ thuật thị giác “Chuyển động Brown” năm 2015 tại Heritage Space; Một số tác phẩm trong triển lãm “Những lũy thừa không số” Trần Trọng Vũ từng trưng bày tại đây năm 2014, sau đó, được Heritage Space sưu tập.
Nguồn Website http://www.ape.gov.vn
TRUNG TÂM MỸ THUẬT TƯ DUY NÉT NGỘ
Trụ sở: 61 Đường D5, P. 25, Quận Bình Thạnh, TPHCM
Cơ sở 1: 111 Nguyễn Thái Sơn, P.4, Quận Gò Vấp, TPHCM
Email: mythuatnetngo@gmail.com
Điện thoại: 090.264.1618
Nhận xét
Đăng nhận xét