Họa sĩ Từ Hoa Lợi chăm chú với từng đường nét trên bức tranh đen trắng (ảnh K.Q)
Người họa sĩ già 80 tuổi ngón tay gầy gò tỉ mỉ miết trên bức tranh chân dung đen trắng đầy hoài cổ, ông tập trung đến mức, quên mất sau lưng mình là một Sài Gòn trẻ trung và nhộn nhịp.
Đó là người họa sĩ vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở TPHCM – họa sĩ Từ Hoa Lợi. Ông ngồi vẽ tranh truyền thần ở một mái hiên nhỏ hẻm 596 Điện Biên Phủ suốt 26 năm qua. Người họa sĩ già không muốn dọn đến một phòng tranh khang trang hơn, bởi nơi đây gắn với ký ức có người vợ quá cố của ông: “Vả lại, khi vẽ tranh, tôi quên tất cả mọi thứ xung quanh mình. Cho nên có ngồi ở đâu cũng vậy thôi” – họa sĩ Từ Hoa Lợi nói.
Ông ngồi vẽ tranh trước hẻm 596 Điện Biên Phủ suốt 26 năm qua (ảnh K.Q) |
Họa sỹ Từ Hoa Lợi sinh năm 1937 ở Hải Phòng. Năm 1956, ông nhập học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1959, ông tốt nghiệp hạng ưu và được nhận vào làm việc tại Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương với công việc thiết kế phục trang, sân khấu và vẽ pano quảng cáo. Làm việc trong đoàn xiếc 10 năm, ông xin nghỉ, rồi về phố Khâm Thiên (Hà Nội) mở hàng tranh. Năm 1981, ông lại cùng vợ và những người bạn ở đoàn xiếc vào TPHCM sinh sống, làm nghề vẽ tranh truyền thần. Ngày nào cũng vậy, cứ 8 giờ sáng, ông dọn hàng ra, 5 giờ chiều lại dọn về. Hàng tranh của ông nhỏ bé, đơn sơ với chỉ những bức chân dung đen trắng được đóng khung cẩn thận, giá vẽ, và tá bút ông tự chế bằng tre, bông và thậm chí là lông chổi hay đầu lọc thuốc lá.
Những bức tranh chân dung đen trắng tạo nét hoài cổ cho Sài Gòn (ảnh K.Q) |
Gọi là tranh truyền thần, bởi đây là loại chân dung không chỉ thể hiện được đường nét, dáng dấp khuôn mặt. Tranh còn phải thể hiện được cả tâm trạng, nét tính cách, thậm chí là thần thái, tình cảm của nhân vật. Phác họa một bức chân dung không khó. Cái khó là nắm bắt được cái thần thái của họ để đưa vào tranh một cách sống động. “Thần thái của nhân vật thể hiện nhiều nhất qua ánh mắt và khóe miệng” - họa sĩ Từ Hoa Lợi giải thích. Khách hàng tìm đến ông, khi thì mang đến những bức ảnh người thân cũ nhòe, mất nét, nhờ ông vẽ lại. Có những khách hàng tìm đến ông nhờ vẽ lại hình người thân qua sự miêu tả mà không hề có một tấm ảnh mẫu.
Phía sau người họa sĩ là một phố phường Sài Gòn nhộn nhịp (ảnh K.Q) |
Người họa sĩ già bảo, cuộc sống của mình có hai màu đen trắng, như những bức truyền thần ông vẽ vậy, giản dị, mộc mạc đến hoài cổ. Giữa một thành phố hiện đại nhất nhì cả nước, vẫn còn nhiều người tìm đến ông như để khỏa lấp những nỗi buồn rất xưa cũ, tìm lại những đường nét, con người, kỷ niệm xa xăm.
Nguồn: http://laodong.com.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét